CÁC PHƯƠNG PHÁP GIA CÔNG MICA CHUYÊN NGHIỆP TỪ DỄ ĐẾN KHÓ
Mica là một loại vật liệu ưu việt có rất nhiều công dụng nên được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực đời sống và quảng cáo như làm bảng hiệu hộp đèn quảng cáo, trang trí nội thất, kệ, menu,… Sở dĩ được ưa chuộng vì mica là chất liệu mềm dẻo nên rất dễ gia công. Các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các phương pháp gia công mica từ dễ đến khó nhé!
Với những đặc tính nổi bật như sáng bóng, xuyên sáng, màu sắc nhiều loại, độ dày mỏng khác biệt, mica trở thành một loại vật liệu được ưa chuộng và thông dụng trong lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên, không phải mọi loại tấm nhựa mica đều giống nhau, chất lượng của nó còn tùy vào đơn vị cung cấp cũng như nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ngày nay, tại Việt Nam đang có 4 dòng mica là mica Đài Loan, mica Trung Quốc, mica Malaysia và mica Nhật Bản. Dù sử dụng dòng mica nào, bạn cũng phải áp dụng các phương pháp gia công cơ bản sau đây:
Nội dung chính [ẩn]
- 1. Cắt thẳng
- 2. Cắt đường cong, tạo hình
- 3. Khoan lỗ, tạo taro, bắt vít
- 4. Uốn mica
- 5. Đánh bóng mica
- 6. Gắn các tấm mica lại với nhau
- 7. Điêu khắc mica
1. Cắt thẳng
Cắt thẳng là phương pháp đầu tiên để gia công một sản phẩm từ vật liệu mica. Phương pháp này đòi hỏi thợ cắt phải tỉ mỉ dùng thước kẻ cố định, xác định vị trí đường cắt đảm bảo độ chính xác. Trước khi cắt, bạn hãy xem xét tấm mica có độ dày bao nhiêu rồi chọn cách cắt để tiết kiệm thời gian và công sức. Thông thường, tấm mica có độ dày càng lớn thì thời gian cắt sẽ càng lâu hơn. Những tấm mica có độ dày dưới 5mm, bạn nên sử dụng dao rạch giấy hoặc lưỡi lưa, còn với tấm mica dày từ 5mm trở lên thì nên cắt bằng máy.
Chú ý trong quá trình định hình đường cắt không để bột mica rơi trên bề mặt, đối với vết cắt thẳng bạn nên dùng lưỡi cắt có răng và có thể chỉnh tốc độ cắt. Một lưu ý nữa là khi cắt mica sẽ tạo ra mùi độc và rất khó chịu vậy nên bạn hãy trang bị khẩu trang cẩn thận.
2. Cắt đường cong, tạo hình
Đối với các đường cong ngắn, bạn có thể sử dụng một máy cưa vòng, thông thường có thể dùng cưa lộng hoặc máy cắt nhỏ cầm tay có lưỡi răng. Trong trường hợp cần tạo đường cong thì không thể sử dụng dao cắt mà phải dùng đến các loại máy cắt. Loại máy phổ biến dùng trong trường hợp này là máy cắt CNC, máy cắt laser, chúng sẽ mang lại hiệu quả một cách nhanh chóng tiết kiệm được công sức và thời gian.
3. Khoan lỗ, tạo taro, bắt vít
Để tạo lỗ như ý định, bạn hãy dùng máy khoan sắt. Bắt vít thì nên sử dụng máy vặn vít sẽ nhanh gọn lẹ và giúp các bước đơn giản. Hoặc tốt hơn nên dùng máy khoan mũi ta-rô. Đối với tạo taro hãy thao tác cẩn thận và nên chậm rãi, ấn mũi khoan nhẹ nhàng, khi khoan được một đoạn rồi thì nên dừng lại lấy phôi ra ngoài rồi hãy tiếp tục khoan, như vậy sẽ tránh làm hư hỏng tấm mica. Lưu ý, trong quá trình khoan, bạn nên giảm nhiệt, nếu không tấm mica sẽ bị chảy.
4. Uốn mica
Đây là phương pháp tương đối khó, yêu cầu nhân viên phải có kinh nghiệm. Bản chất mica là nhựa dẻo và có khả năng định hình rất cao sau khi đã được ép nhiệt. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thanh nhiệt, kẹp nhiệt hoặc tự chế dụng cụ để uốn như dùng sắt hơ nóng rồi đặt miếng mica lên đó để uốn. Cách uốn cong mica phổ biến hiện nay là dùng súng nhiệt. Với cách này, bạn có thể tạo bất cứ hình dạng, mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng. Lưu ý, khi uốn mica phải giữ, ép một thời gian đủ lâu với nhiệt độ thích hợp để mica có thể thành hình như mong muốn, tránh trường chưa đủ nóng đã ép sẽ làm vỡ mica. Mặt khác, bạn phải canh nhiệt độ cho thật thích hợp, tránh nóng quá làm chảy mica.
5. Đánh bóng mica
Sau khi cắt mica bằng dao sẽ vô tình để lại đường viền hay bề mặt có vết xước không được đẹp mắt nên đánh bóng mica rất cần thiết đảm bảo tính thẩm mỹ cho thành phẩm. Phương pháp gia công này sử dụng cho bề mặt và cạnh mica. Dụng cụ các bạn cần chuẩn bị là dũa, giấy nhám khô, giấy nhám ướt hãy thật cẩn thận và tỉ mỉ dũa các cạnh mới cắt. Còn với bề mặt bị xước có thể đánh bóng bằng máy khoan điện có miếng phớt. Lưu ý, để hạn chế tối đa tình trạng bị trầy xước hãy giữ lớp giấy bọc mica không bị bong tróc cho đến khi hoàn thành các công đoạn gia công.
Với quá trình đánh bóng mica, việc chọn lựa xuất xứ mica rất quan trọng. Vì mica có nguồn gốc từ Đài Loan sẽ dễ dàng đánh bóng, còn mica nguồn gốc từ Trung Quốc có khả năng đánh bóng rất khó, tốn nhiều công sức. Vì vậy, hãy cẩn thận chọn lựa xuất xứ mica để dễ dàng hơn trong quá trình đánh bóng và cho hiệu quả cao nhất.
6. Gắn các tấm mica lại với nhau
Đây là công đoạn hoàn thiện sản phẩm nên đòi hỏi độ chính xác và tính thẩm mỹ cao. Do đó, bạn cần phải xử lý các vị trí kết nối sao cho thật hợp lý và gọn gàng. Công đoạn này đòi hỏi nhân viên phải có đôi tay tỉ mỉ, nhanh nhạy trong khâu lựa chọn dụng cụ, tinh tế khi gắn tấm mica.
Để gắn các tấm mica lại với nhau, bạn có thể dùng keo dán hoặc có thể sử dụng băng dính, ốc vít, nam châm. Đa phần các cơ sở uy tín đều sử dụng keo lạnh để kết nối những tấm mica trong suốt, keo 502 chỉ áp dụng với những vị trí khuất. Lưu ý, khi sử dụng keo dán, các bạn nên dùng tăm để tránh tình trạng loang lổ keo, cách làm này giúp bản nối cực kỳ đẹp và se khít. Băng dính chỉ sử dụng khi không có keo và không thể sử dụng bất kỳ cách nào để gắn. Đối với những tấm mica trên cùng bề mặt không tạo thành góc thì có thể dùng ốc vít gắn kết thẳng vào luôn.
7. Điêu khắc mica
Những sản phẩm làm bằng mica sẽ trở nên cuốn hút nhờ công nghệ điêu khắc mica bằng laser hoặc cnc hiện đại có mức độ chính xác cao, tốc độ nhanh, chi tiết, độc đáo, khác biệt. Điêu khắc laser và CNC là công nghệ mới rất được ưa chuộng hiện nay, được áp dụng đa dạng các loại vật liệu, trong đó có mica. Sản phẩm được tạo ra dựa trên quy trình hoàn toàn tự động, với những con người không ngừng sáng tạo ra các hình ảnh, hoa văn, câu chữ lên những bản vẽ thiết kế trên máy tính. Sau đó truyền tải tất cả các ý tưởng qua máy để gia công thành phẩm.
Trên đây là tất cả các phương pháp gia công mica chuyên nghiệp từ dễ đến khó được hầu hết các xưởng sản xuất áp dụng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quát về quá trình gia công sản phẩm từ vật liệu mica.
Nhận xét
Đăng nhận xét