Phần Lan – Nền giáo dục học mà không học – Sự khác biệt của nền giáo dục “thiên đường”
Năm 2001, khi những kết quả PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế do OECD tổ chức) được công bố, với kết quả nước dẫn đầu là Phần Lan, phản ứng đầu tiên của các nhà giáo dục Phần Lan là bất an và khó hiểu. Họ băn khoăn không biết liệu họ đã làm gì sai với nền giáo dục của mình, để đến nỗi điểm kiểm tra các môn mang tính học thuật của họ lại quá cao như vậy?
Phản ứng lạ đời này, kỳ thực, cho thấy một nét đặc điểm cốt lõi, nếu không nói chính là bản sắc của giáo dục Phần Lan.
Phần Lan là quốc gia có triết lý giáo dục thật đặc biệt: trẻ em được học ít, chơi nhiều. Từ những năm 1970, giáo dục Phần Lan tập trung mạnh vào các môn âm nhạc, nghệ thuật, thủ công, nghiên cứu xã hội cũng tương tự như sự chú trọng vào các môn đọc, toán và khoa học. Đằng sau những biểu hiện này, là một cuộc cải cách toàn diện của họ, với triết lý cốt lõi là hướng tới học sinh. Với người Phần Lan, các cải cách của họ hướng tới mục đích xây dựng một ngôi trường tốt cho mọi đứa trẻ, thay vì một ngôi trường xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Và thật ngạc nhiên, chính điều đó lại mang cho họ vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu trong suốt 4 kỳ khảo sát gần nhất của PISA. Đồng thời, học sinh Phần Lan luôn xếp thứ hạng nhất nhì môn khoa học và môn đọc, hạng ba ở môn toán, vượt xa thứ hạng của học sinh Mỹ, một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
Với trẻ ở độ tuổi trước khi đến trường, Phần Lan không có trường cho trẻ em trước khi bước vào lớp một. Việc dạy trẻ em trước khi đi học là do nhà trẻ (daycare centre) đảm nhiệm. Ở Phần Lan, khái niệm pre-school teaching được hiểu là giáo dục cho trẻ em trong vòng một năm để chuẩn bị vào lớp một. Mục đích là chuẩn bị kỹ năng và thói quen trước khi bước vào cuộc đời học tập của trẻ. Đây là năm trẻ em được dạy các trò chơi có ý thức. Hai yêu cầu cần đạt được trong năm này là tách trẻ em ra khỏi môi trường gia đình, làm quen với môi trường cộng đồng. Thông qua các trò chơi, trẻ em dần dần có được ý thức học một thực tế hiển nhiên nào đó hoặc một kỹ năng nào đó (facts and skills). Theo luật, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các trung tâm dạy cho trẻ em 6 tuổi. Việc học, theo luật, là tự nguyện nhưng trên thực tế gần 100% trẻ em đều tham gia học.
Quanh câu chuyện về giáo dục Phần Lan chắc chắn có rất nhiều điểm để đọc, để thảo luận, để đồng tình và cả phản bác, với những khía cạnh từ triết lý giáo dục đến quản lý giáo dục v.v. Tuy nhiên, điều ấn tượng sâu đậm nhất đối với người viết bài này khi đọc Bài học Phần Lan là một tinh thần xuyên suốt như đã nói ở trên, tinh thần mà người Phần Lan đã sớm hình thành trong quá trình tự nhận thức lại nền giáo dục của mình, ngay từ hồi nền giáo dục Phần Lan còn là một nền giáo dục “tầm thường” (chữ dùng của tác giả) và đầy vấn đề như chúng ta hiện nay. Còn nhiều những kinh nghiệm thú vị và cụ thể nữa về nền giáo dục độc đáo của đất nước Phần Lan mà tác giả Pasi Sahlberg đã chia sẻ với chúng ta trong cuốn sách “Bài học Phần Lan 2.0”, bản tiếng Việt do thương hiệu sách Omega, thuộc công ty Alpha Books cho ra mắt vào tháng 10/2016.
Long hải
Nhận xét
Đăng nhận xét